Apec là cuộc sống màu hồng...đất
Giang sơn dễ đổi
Bản tính khó dời
Người ta thường nói con người ta sẽ không thay đổi thói quen và bản chất bởi nó được hình thành từ rất nhiều yếu tố xung quanh như gia đình, người thân, bạn bè, thầy cô và môi trường sống. Nhưng sẽ có một thứ khiến ta phải nhìn nhận lại bản thân và thay đổi, đó là một cú sốc hoặc một cú “hích”. Với tôi, vào Apec chính là một “một cú sốc siêu to khổng lồ” mà tôi không hề lường trước.
Tôi là một người sống bằng mục tiêu. Trong mọi khía cạnh của cuộc sống, tôi đều đặt ra mục tiêu và bằng sống bằng chết phải đạt được nó. Mục tiêu trước kia của tôi là phải đạt được một sự cân bằng tuyệt đối, làm thế nào để vừa học tập tốt mà vẫn duy trì được hoạt động nghệ thuật bên ngoài. Những ngày tháng học hành nạp kiến thức vào ban ngày, tối đến lại tiếp tục bay bổng với nghệ thuật, lịch trình dày đặc tôi luyện cho tôi một tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết cháy bỏng với tất cả những gì đang làm. Tôi thầm cảm ơn những ngày tháng thanh xuân rực rỡ ấy, bận thì bận thật, áp lực cũng chẳng hề ít nhưng tôi chưa bao giờ luyến tiếc một phút giây nào của tuổi trẻ cả bởi tôi đã sống hết mình với đam mê, chinh phục được những mục tiêu và đạt được những thành công nhất định. Nhưng mọi chuyện trở nên lệch nhịp và tồi tệ kể từ khi tôi nhận tấm bằng tốt nghiệp. Sau khi hoàn thành mục tiêu to lớn nhất vào thời điểm ấy, tôi lại trở nên mất cân bằng trong cuộc sống và tự chán nản với mọi thứ.
“Cú sốc” vực dậy một “tôi” của quá khứ
Vô định, lạc lõng, mất phương hướng chắc hẳn là những từ những từ ngữ chính xác dành cho phần lớn những sinh viên mới ra trường. Giống như bạn bè đồng trang lứa, tôi cũng không biết mình sẽ trở thành ai trong tương lai, tôi chỉ biết là vào thời điểm đó mình muốn học và làm về Marketing. Người ta cứ nói rằng tuổi trẻ thì nên trải nghiệm, càng nhiều càng tốt. Nhưng ngược lại, tôi lại nghĩ là nếu như ngay từ đầu mình định hướng sớm, mình gặp được những bậc tiền bối dẫn dắt từ bước đầu tiên thì còn là điều may mắn hơn cả. Bởi thời gian mình phải bỏ ra để đánh đổi những bài học sau những sai lầm và thất bại sẽ được rút ngắn lại. Có thể nói, Apec là môi trường đầu tiên tôi làm việc và thật may mắn, tôi đã gặp những người anh, người chị giàu kinh nghiệm, sẵn sàng chỉ bảo và truyền cảm hứng.
Tôi đã nghĩ làm việc ở một Tập đoàn thì chắc nhiều quy định lắm, chắc từ giờ phải ép bản thân theo một khuôn khổ cứng nhắc. Nhưng không! Tại Apec, kỉ luật nhưng lại không gò bó. Kì lạ thay, tất cả mọi người ở đây làm việc “xóa bỏ” những quy định của công ty. Đầu tiên là phá vỡ quy định về giờ làm việc. Giờ làm việc trung bình là 8 tiếng một ngày. Nhưng ở Apec, mọi người toàn làm…quá giờ. 7h tối, thậm chí 8h tối, mọi người vẫn “không chịu về”. Những màn hình máy tính vẫn sáng, những phòng họp vẫn vang vọng tiếng tranh luận của những dự án đang triển khai. Tiếp đó, Morning Talk chỉ được nói 15-20’ mỗi sáng nhưng ai cũng “lấn sân” nói hơn cả 20’, rồi thậm chí cả 30’ để “tranh thủ” thuyết trình một cách sâu sắc và truyền cảm hứng nhiều nhất có thể. Trong những cuộc họp, ranh giới giữa nhân viên với sếp tự động bị “xóa bỏ”, ai cũng có quyền được bày tỏ ý kiến của mình và ai cũng tôn trọng lắng nghe. Dường như, Apecer đã xóa bỏ ranh giới giữa cuộc sống và công việc, những giờ ăn trưa vẫn nảy lửa bàn bạc công việc, những buổi tối chuẩn bị đi ngủ vẫn ting ting tin nhắn “Trên đường đi làm về chị nảy ra ý tưởng này…”, “Em thấy tại sao chúng ta không triển khai theo cách này hay hơn ạ…”. Cao hơn cả tinh thần trách nhiệm, đó là tình yêu nghề, hết lòng vì công việc, coi công việc là niềm vui, là cuộc sống để tận hưởng trọn vẹn mỗi ngày.
Có một người chị, một người thầy đã nói với tôi rằng hãy làm việc hết mình, thậm chí phải tỉ mỉ từng chi tiết và phải luôn đặt câu hỏi với bản thân rằng “Làm như thế đã thấy xứng đáng với đồng tiền lương được nhận hay chưa”, “Làm cẩu thả như thế có cảm thấy có lỗi với tổ nghề hay không?” Muốn có “tầm” thì phải có “tâm”, phải luôn đặt chữ “tâm” trong mọi việc mình làm. Hóa ra thành công của một cá nhân lại chả phải điều gì quá to tát, nó đến từ những điều nhỏ bé nhất, “mỗi người chỉ cần làm tốt công việc của mình đó là một đóng góp to lớn cho bản thân, gia đình và xã hội”.
“Cú sốc” xóa bỏ sự sợ hãi của một “tôi” thực tại
Khi còn là một đứa trẻ, những ước mơ của chúng ta dường như không có giới hạn, không có rào cản và cũng không ẩn chứa nỗi sợ nào cả. Nhưng dần dần lớn lên, những áp lực từ gia đình và xã hội, những khắc nghiệt của cuộc sống khiến cho chính chúng ta tự tạo cho mình một rào cản tinh thần và giam lỏng những mơ ước và khao khát. Những suy nghĩ tiêu cực đó hạn chế và khiến ta thụt lùi theo những cách mà chúng ta chẳng thể tưởng tượng nổi. Vì lo lắng không biết mọi thứ sẽ thế nào nếu lỡ thất bại nên thay vì cố gắng thoát khỏi vùng an toàn, chúng ta thường chọn ở yên một chỗ, chấp nhận với số phận đã an bài và không hề biết rằng chúng ta đang tự giới hạn chính mình. Khi nhận nhiệm vụ những công việc mới , bản thân tôi cũng rất lo lắng không biết mình có làm được hay không, không biết làm như thế nào. Nhưng những người anh, người chị tại Apec khiến tôi nhận ra rằng muốn vượt qua nỗi sợ hãi thì chỉ có duy nhất một cách, đó chính là đương đầu với nó, càng né tránh thì càng sợ. Ở Apec, bất cứ phòng ban nào, độ tuổi nào, cấp bậc nào cũng có cái “ngông” riêng trong công việc. Cái “ngông” ý giúp mọi người dám dấn thân, sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới và trải nghiệm nó. Thậm chí những lúc cần hành động, chúng tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ và chinh phục đến cùng “bởi trải nghiệm của người đứng trên đỉnh núi rất khác với người chỉ ngồi một chỗ.”
“Ngông” để gạt bỏ nỗi sợ
“Ngông” để bứt phá
Vậy nên cứ “ngông” đi vì Apec là thế!
Một ví dụ về một sự dấn thân tại Apec chính là dự án Siêu thị Hạnh Phúc 0Đ, dự án phát nhu yếu phẩm cần thiết như mì, gạo, mắm, muối cho những người có hoàn cảnh khó khăn ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Có lẽ dự án này sẽ không trở thành hiện thực nếu như tất cả chúng tôi không gạt đi nỗi sợ hãi của bản thân về mối nguy cơ có thể mắc bệnh Covid-19, bởi khi đó, Việt Nam và thế giới đang ở trong giai đoạn “đỉnh” dịch. Thực tế, tất cả chúng tôi đều sợ nhưng khi nghĩ về một nhiệm vụ cao cả là mang đến những phần quà là nhu yếu phẩm cần thiết cho những người nghèo, những người cùng cực đang gặp khó khăn vì dịch bệnh kéo dài, người Apec đã cùng nhau vượt qua.
Còn nhớ, ngay từ khi dự án được ươm mầm, bản thân Ban lãnh đạo và các cấp nhân viên rất trăn trở vì thực tế: “Mấy trăm con người tuy có ý tưởng nhưng chúng ta chưa bao giờ làm siêu thị và cũng không biết làm thế nào. Liệu khi mở ra người dân có đến không? Và không biết rằng siêu thị mở ra rồi có thực sự hỗ trợ được đúng đối tượng là những người nghèo, chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid hay không?” Nhưng, “như có cái gì đó thôi thúc”, hành trình của Siêu thị Hạnh Phúc 0Đ đã bắt đầu và lan tỏa trên gần 20 tỉnh thành. Cùng với đó, thành công nối tiếp thành công, hàng loạt những hoạt động thiện nguyện khác như: Bánh mì kẹp sách, Chuyến xe hạnh phúc, Lớp học hạnh phúc, Thư viện hạnh phúc,… được phát triển dựa trên bước đệm của Siêu thị Hạnh Phúc và được đón nhận rộng rãi không chỉ đối với đồng bào trong nước mà còn cả cộng đồng quốc tế. Thật tự hào khi bản thân được là một trong những mảnh ghép bé nhỏ được cống hiến và đóng góp, “phụng sự xã hội”. Cầm trên tay những bọc nhu yếu phẩm đưa cho các bà các mẹ, trao tặng những cuốn sách hay ý nghĩa cho các em nhỏ, dõng dạc hô to nhịp điệu vũ điệu rửa tay cho các em bé tại những Lớp học hạnh phúc, tôi tự hào rằng tôi là người Apec.
“Cú sốc” cần thiết cho một “tôi” tương lai
Bước chân vào Apec, tôi dần dần học được cách chấp nhận hiện thực, cuộc đời con người phải có thăng trầm chứ không thể cứ bằng phẳng thì chẳng biết ý nghĩa cuộc sống mình là gì. Cuộc sống của tôi trước kia toàn một màu hồng, sau khi vào Apec, nó vẫn là màu hồng, nhưng là hồng đất. “Đất” ở đây không phải là nhuốm đất của màu đen tối hay vỡ mộng, mất niềm tin vào cuộc sống mà màu hồng đất ấy là tôi của một phiên bản trưởng thành hơn, chín chắn hơn, sẵn sàng nhìn thẳng vào nỗi sợ, sự thiếu sót, bất hoàn hảo và sai lầm của bản thân để tiến lên phía trước. Và vẫn sẽ mãi là sắc hồng của niềm tin và hi vọng, của tuổi trẻ dấn thân dám đi theo khát vọng và chinh phục mọi mục tiêu của cuộc đời.
Tác giả: Nguyễn Thị Phương Thanh - Phòng Marketing
*************************
Các bạn thân mến! “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” là câu nói của triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus với hàm ý rằng vạn vật trên thế giới luôn luôn vận động và không ngừng thay đổi, không có thứ gì tồn tại lâu hơn một khoảnh khắc. Vậy nên, cuộc sống của chúng ta không có gì được gọi là "ổn định" cả. Mọi thử thách đến với ta là một món quà mà vũ trụ gửi tới để ta rèn luyện nội lực của bản thân, để ta trưởng thành hơn mỗi ngày. Hãy cứ dấn thân và khát vọng để chinh phục những mục tiêu của cuộc đời bạn nhé! |
Hãy chia sẻ những câu chuyện đáng nhớ, những cảm nhận và tâm sự về công việc, đồng nghiệp,..của bạn tới
Cuộc thi "TÔI LÀ NGƯỜI APEC"
Email: bantruyenthong@apec.
Liên hệ trực tiếp: Ms. Tươi - Ban Đào tạo, Ms. Lệ - P.Marketing
Hãy Like và share bài viết để ủng hộ cho các tác giả
Fanpage: Tuyển dụng Apec
Website: apecgroup.net