
Khúc hát về người Apec và câu chuyện nhỏ của tôi
Tôi gia nhập Gia đình Apec khi tuổi đã gần 40. Sau 13 năm làm việc trong các cơ quan Đảng và nhà nước, một vài doanh nghiệp tư nhân, tôi được rèn luyện, học hỏi, có nỗ lực, đóng góp không đáng kể. Những ký ức ban đầu về các công việc, đến thời điểm đó, không để lại dấu ấn gì quá tốt đẹp ngoài một số kinh nghiệm liên quan đến pháp luật, kỹ năng và đối nhân xử thế, làm hành trang cho môi trường mới – năng động và khắc nghiệt hơn.
Năm 2007 (một năm sau Apec được khai sinh), anh Lăng – Chủ tịch HĐQT Apec vào miền Trung với chiến dịch, mở rộng phát triển chi nhánh chứng khoán ở đây. Khoảng một năm sau đó, Apec là một trong những công ty có mạng lưới các đại lý lớn nhất Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán. Vào thời điểm này, tôi và anh Tuấn – TV HĐQT, nguyên Giám đốc chi nhánh Chứng khoán Apec tại Huế đang làm việc cho một dự án xây dựng công trình và đô thị khác - quản lý xây dựng và vận hành kinh doanh một tòa nhà (nay là Trung tâm phân phối, sửa chữa bảo hành cho hãng xe Vinfast). Lúc này, công ty đang cần tìm địa điểm lập chi nhánh tại khu vực miền trung và chúng tôi đi đến cuộc hẹn đầu tiên với anh Lăng – Chủ tịch HĐQT. Thông qua người bạn của tôi ở Hội doanh nghiệp trẻ, chúng tôi gặp anh Lăng giới thiệu về dự án và ngỏ ý mời Apec đặt văn phòng giao dịch chứng khoán tại tòa nhà dự án (cùng thời điểm, anh Lăng đã có buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh, giới thiệu về thị trường chứng khoán và kế hoạch phát triển chi nhánh chứng khoán tại đây). Tuy nhiên, do yêu cầu sản phẩm tài chính cần nơi thông thái hơn - có nhiều dịch vụ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đã hoàn thiện (trung tâm thành phố) vì thế, chúng tôi không có vị trí danh dự nào cho Apec đối với tòa nhà. Sau một bữa cơm trưa, anh Lăng có đặt vấn đề về việc mời anh Tuấn tham gia kế hoạch thành lập và xây dựng đội ngũ nhân sự chi nhánh cho Apec tại đây. Anh Tuấn sau đó mời, gọi tôi về làm cùng. Lúc này, tôi đang có ý định sang làm việc bên ngân hàng VIB với vị trí quản lý phát triển khách hàng cá nhân - doanh nghiệp. VIB tại Hội sở phỏng vấn và chấp nhận tôi, đồng thời giám đốc chi nhánh cũng đã đồng ý. Lúc này tôi cũng đã hoàn thành bài phỏng vấn vòng 1 (đã gửi slide file) với hãng viễn thông Sfone tại Đà Nẵng, vòng 2 sẽ phỏng vấn trực tiếp với bên quản lý nước ngoài là hoàn thành thủ tục làm việc tại Sfone. Sau vài tuần suy nghĩ, cuối cùng, tôi đã chọn Apec, làm việc trong lĩnh vực chứng khoán, lĩnh vực mới đối với tôi.
Lúc đó tôi vẫn có một giấc mơ khác, nhưng bị Apec đánh bại bởi sự thú vị, phong cách của con người hay công việc ở đây – có lẽ lĩnh vực mới lạ, hấp dẫn hơn.
Ít tháng sau khi thành lập chi nhánh, tôi được điều động về công tác tại Hội sở (theo kế hoạch là 3 tháng). Lúc này là thời kỳ cao trào của thị trường chứng khoán Việt Nam và cũng là thời điểm bắt đầu của thời kỳ đổ vỡ tài chính và suy thoái kinh tế thế giới 2007, 2008 - đến năm 2013 mới bắt đầu hồi phục.
Lúc này, nhiều hệ thống ngân hàng sụp đổ; giá chứng khoán giảm trầm trọng và mất giá tiền tệ quy mô lớn ở Mỹ và nhiều nước châu Âu; các khoản vay không trả nổi của người đầu tư nhà ở cho các tổ chức tài chính, ngân hàng – hệ thống tín dụng thanh toán phá sản. Đỉnh điểm sụp đổ khi các ngân hàng khổng lồ và lâu đời như Lehman Brothers, Morgan Stanley, Citigroup, AIG, … rơi vào tình trạng phá sản; khủng hoảng tài chính, tiền tệ kéo theo khủng hoảng các ngành sản xuất và chế tạo khác; người dân khắp nơi đổ xô rút tiền, nhiều ngân hàng không còn đủ nguồn tiền thanh toán – khủng hoảng xảy ra diện rộng. Các thị trường chứng khoán lớn của thế giới ở New York, London, Paris, Frankfurt, Tokyo rơi vực lịch sử, mọi thứ rối loạn. Tại Việt Nam, Q1/2008, chỉ số Vn-Index giảm gần 70% - mức giảm chưa từng có trong lịch sử hơn 8 năm hoạt động - hàng chục nghìn tỷ đồng vốn hóa thị trường “bay hơi”. Theo thống kê thế giới, 10.000 tỷ USD bị cuốn phăng, khoảng 30 triệu người mất việc và 50 triệu người quay lại chuẩn dưới nghèo. Lehman Brothers - ngân hàng đầu tư thành lập năm 1844, 164 năm tuổi - một trong năm định chế tài chính cho vay lớn nhất nước Mỹ đã sụp đổ.
Hơn 20.000 nhân viên Lehman Brothers trên toàn thế giới mất việc.
Ngoài Lehman Brothers còn có: Bear Stearns - một trong năm ngân hàng đầu tư lớn nhất phố Wall; Freddie Mac và Fannie Mae - hai nhà cho vay thế chấp lớn nhất nước Mỹ và AIG - một trong ba công ty bảo hiểm lớn nhất được mua lại các khoản nợ và cổ phần để thoát nạn phá sản … động cơ của ngành Công nghiệp tài chính bị hỏng hóc, các ngành khác bị liên lụy, thiệt hại vô cùng lớn. Nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng năm 2008 là do chính sách kiểm soát hoạt động của ngành này lỏng lẻo, được hậu thuẫn bởi những "tài phiệt" của Phố Wall và những ai chấp nhận đánh đổi rủi ro lấy lợi nhuận. Bài học đắt giá từ đây, một cuộc khủng hoảng mới cũng có thể tái diễn khi mà mọi yếu tố cấu thành nó (chỉ số tài chính, BĐS, việc làm, dịch bệnh …) bị mất cân bằng, mất kiểm soát.
Thương hiệu non trẻ Apec, lúc này, cũng vô cùng sóng gió, mệt mỏi với thị trường và nghịch cảnh. Cơ cấu tài sản công ty rất nhiều chứng khoán tự doanh, nên dù có đức tin, kỷ luật toàn diện hay tin thần cao thượng không tránh khỏi tổn thương và thiệt hại lớn đến mức khủng hoảng. Từ vài trăm tỷ đồng tài sản chỉ còn lại vài chục tỷ đồng (nhưng không hoàn toàn bằng tiền mặt). Hàng trăm nhân viên phải rời bỏ nhiệm sở, chỉ còn lại chưa đến trăm nhân viên. Hội đồng quản trị, mà chủ yếu là Chủ tịch của chúng ta - là người không ít hài hước, lạc quan trở thành “tự ti”, phải tìm cách cân bằng mọi thứ đang hỗn loạn để lập lại trật tự và tiếp tục xây dựng đường hướng tầm nhìn trong khi tập trung kiểm soát khủng hoảng, giải quyết các vấn đề cụ thể. Chủ tịch đã dẫn dắt công ty vượt qua thử thách hoành tráng, an ủi mọi người trong tai họa và mất mát, đẩy lùi sự hoài nghi và sau cùng đã chiến thắng khó khăn.
Áp lực khó khăn qua đi, con thuyền Apec tiếp tục di chuyển như một nút chai trên đại dương đầy sóng gió. Tôi được nhận nhiệm vụ mới phát triển dự án Royal Park hiện nay, với sự hỗ trợ của anh Tuấn – TV HĐQT. Lúc này, tôi đã quyết định chuyển công tác sang đơn vị khác vì đã hết thời hạn đi “bộ đội” tại Hội sở - kế hoạch đầu là ba tháng nhưng sau kéo dài đến gần hai năm, gần hết năm 2009. Kế hoạch chuyển công tác là kế hoạch từ trước khủng hoảng sau khi được điều động về Hội sở – đây là cách tôi phải cân bằng cuộc sống gia đình và công việc của mình. Thời gian đó tôi cũng bị “stress” nặng, trải qua nhiều nội tâm và đây là cảm giác rất lâu, ít ai biết trong tôi cô đơn và tổn thương đến mức nào – không có gì vui và tôi cũng đã có thiếu sót, thiếu sáng suốt. Tuy nhiên, dù đã lập kế hoạch tỉ mỉ nhưng, có lẽ, trong vô thức, lý trí và cảm xúc tôi đã từ bỏ kế hoạch và tiếp tục ở lại làm việc với vai trò mới.
Năm 2010, tôi lập Hồ sơ thành lập Apec Land, đấu thầu dự án hoàn thành vào tháng 12/2011 - ký hợp đồng chính thức thực hiện đầu tư dự án với tỉnh vào ngày 9/6/ 2012. Để có kết quả này, thật sự là một nỗ lực không đơn giản của bản thân với sự hỗ trợ của chủ tịch Lăng vì lúc này, công ty không có hồ sơ năng lực kinh nghiệm và tài chính gần như cạn kiệt (chúng tôi bị hoài nghi về năng lực thực hiện) nên kế hoạch đền bù được lệnh kéo dài thêm 1 năm. Công ty không đủ khả năng chi trả và phương án trả tiền sử dụng đất một lần cho cả dự án lúc đầu, phải xin điều chỉnh lại và rất khó khăn để tôi nghiên cứu phương án xin được phép chuyển sang trả hai giai đoạn (thực hiện Theo TT hướng dẫn của Bộ tài chính). Một điều quan trọng nữa, quyết định sự thành công đối với giai đoạn này là chúng tôi phải sắp xếp thành công một nguồn tín dụng thanh toán tiền sử dụng đất cho nhà nước - điều này, hoàn toàn phụ thuộc vào ngân hàng. Lúc này chúng tôi hoàn toàn không có đủ nguồn lực tự thân hỗ trợ cho giai đoạn này, đối với một dự án lớn.
Tôi đã lường trước được sự thất bại của OCB ở thời hạn chót giải ngân và chuyển hướng (dự phòng) lập hồ sơ trình thẩm định để được gói giải cứu lần 2 tại BIDV Phú Xuân (lần đầu bảo vệ hồ sơ thất bại trước BIDV Hội sở). Thành công lần này đã mở ra bước ngoặt về tính pháp lý, vốn, chi phí đầu tư làm tiền đề cho sự thành công sau này.
Ngày nay, Apec đã là một chân dung của sự tiến bộ, chứng minh được sức mạnh của sự biến đổi, tử tế và hữu ích; tồn tại chân dung của một triết lý, văn hóa cho doanh nghiệp – doanh nhân, hơn bao giờ hết nhờ tiếp tục khoác lên mình chiếc áo của sự tỉnh thức bên trong, lắng nghe và tình yêu thương lan tỏa.
Chúc mừng Apec chúng ta vì đã gieo hạt giống nghiệp hạnh phúc để trường tồn trong sự khiêm tốn và kiêu hãnh. Với triết lý này, chúng ta phải tự trả lời câu hỏi, liệu chúng ta đã đủ tốt hay chưa? Đây là một cuộc đấu tranh nội tâm nhưng chúng ta đã không bối rối, nghi ngờ về sự thành công của mình và chúng ta đã và đang tiếp tục học cách lao động, thể hiện sự bản lĩnh để xây dựng hạnh phúc cho mình và cho người khác.
Tác giả: Hồ Xuân Vinh - Giám đốc Apec Land Huế
****************
Các bạn thân mến! Apec Group đã trải qua gần 15 năm xây dựng và phát triển. Để có được thành công ngày hôm nay là nhờ vào sự nỗ lực không ngừng của thế hệ người Apec, đặc biệt là thế hệ "Người mở đường" và niềm tin vào đường lối của BLĐ đã đặt ra. Thật tự hào biết bao khi mỗi giai đoạn lịch sử của Apec được ghi lại và chia sẻ để những thế hệ đi sau được tiếp thêm động lực tiếp bước sứ mệnh phụng sự xã hội của đàn anh đi trước. Cảm ơn những lời chia sẻ tâm huyết của anh Hồ Xuân Vinh đã giúp truyền cảm hứng tới rất nhiều CBNV đã và đang cống hiến hết mình ở nhiều tiền tuyến khác nhau của Apec Group |
Hãy chia sẻ những câu chuyện đáng nhớ, những cảm nhận và tâm sự về công việc, đồng nghiệp,..của bạn tới
Cuộc thi "TÔI LÀ NGƯỜI APEC"
Email: bantruyenthong@apec.com.vn
Liên hệ trực tiếp: Ms. Tươi - Ban Đào tạo, Ms. Lệ - P.Marketing
Hãy Like và share bài viết để ủng hộ cho các tác giả
Fanpage: Tuyển dụng Apec
Website: apecgroup.net